Bộ lọc gió nói chung trên xe ô tô có tác dụng lọc và ngăn ngừa bụi bẩn trong không khí vào hệ thống nhiên liệu, dầu nhớt, hệ thống làm mát (điều hòa) và vào buồng đốt động cơ đều được đánh giá là rất quan trọng. Việc vệ sinh, thay thế định kỳ các bộ lọc trong xe ô tô là rất cần thiết để đảm bảo cho xe luôn vận hành ổn định.
Bộ lọc gió sẽ khiến cho các hạt bụi lấp đầy vào các lỗ thông khí của lọc giúp làm giảm đi lưu lượng khí cần cung cấp cho động cơ, bụi thực sự không gây ra hiện tượng ” nằm đường ” của xe, nhưng chúng liên quan đến hiệu suất hoạt động, độ bền, sự thoải mái… Trong một thời gian dài, bụi bẩn, cặn, dị vật,.. sẽ kéo theo việc giảm công suất của động cơ và gây tốn xăng, làm nóng máy tạo ra muội than trong buồng đốt và đầu bugi. Ngoài ra, nếu sử dụng lọc gió kém chất lượng hoặc bị rách sẽ là nguyên nhân bụi bẩn đi vào và bám đầy vào đầu cảm biến lưu lượng làm cho động cơ hoạt động không ổn định.
Những bộ lọc cần thay thế định kỳ trên xe ô tô
1. Lọc gió động cơ (Air Filter)
Lọc gió động cơ (Air filter) thường đặt trong khoang động cơ dưới nắp capô, bộ phận này có vai trò lọc bụi bẩn trong không khí trước khi được đưa vào buồng đốt động cơ. Sau một thời gian sử dụng, bụi bẩn, hơi ẩm bám vào màng lọc, lấp đầy lỗ thông khí của bộ lọc. Nếu không được vệ sinh, thay thế sẽ gây cản trở lượng không khí vào động cơ, gây sai lệch tỉ lệ hòa khí (nhiên liệu và không khí) làm giảm công suất, nóng máy và gây muội than trong buồng đốt.
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng ô tô nên chú ý vệ sinh định kỳ hệ thống lọc gió động cơ sau khi xe vận hành được 5.000 km, đồng thời thay lọc gió mới sau 20.000 km. Với các xe đời cũ, thường xuyên sử dụng trong môi trường nhiều bụi bẩn nên vệ sinh lọc gió sau 3.000 – 4.000 km; thay mới sau 15.000 km.
Nên thường xuyên kiểm tra hệ thống lọc gió, nếu phát hiện bộ lọc bị rách, ẩm… nên thay thế bằng lọc gió mới.
2. Lọc gió điều hòa (Cabin Filter)
Lọc gió hệ thống điều hòa hay còn gọi là lọc Cabin, Cabin Filter có nhiệm vụ lọc không khí, ngăn cản bụi bẩn, dị vật từ bên ngoài, thậm chí là ở khoang máy vào trong khoang nội thất bên trong xe. Đối với các xe sedan, hệ thống điều hòa luôn được bật, trong quá trình lấy gió ngoài, bụi bẩn bám vào màng lọc làm giảm đi lượng gió, không khí lấy từ ngoài vào sinh ra rất hại hệ thống điều hòa làm mát của xe.
Ngoài ra việc bụi bẩn và tiếp xúc với môi trường đỗ xe ở những nơi ẩm thấp cũng là nơi nấm mốc, côn trùng ị bậy, xác chết côn trùng… khiến cho khoang nội thất xe sẽ có mùi hôi thối khó chịu, ảnh hưởng đến sức khỏe của lái xe và hành khách. Nhiều thợ kỹ thuật thay thế thường phát hiện xác côn trùng chết, phân chuột, nấm mốc, gián….
Với bộ phận này, người dùng ô tô nên chú ý kiểm tra vệ sinh sau khi sử dụng xe khoảng 5.000 km, thay mới sau 20.000 km. Trong quá trình sử dụng, nếu không khí đi qua điều hòa giảm, hệ thống quạt gió phát ra tiếng kêu… nên kiểm tra, thay thế lọc gió điều hòa.
3. Lọc dầu động cơ (Oil Filter)
Thường được người dùng ô tô gọi là “cốc lọc dầu”, bộ phận này có cấu tạo nhỏ gọn nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc lọc sạch cặn bẩn, tạp chất trong dầu nhớt, đảm bảo cho việc bôi trơn các chi tiết bên trong động cơ.
Không giống như lọc gió, hệ thống lọc dầu động cơ không thể vệ sinh mà phải thay mới định kỳ sau một thời gian sử dụng. Hầu hết các sách hướng dẫn sử dụng, chăm sóc trên các mẫu ô tô, người dùng nên chú ý kiểm tra mức dầu động cơ và thay thế bộ lọc dầu sau 10.000 km. Để không bỏ quên bộ phận này, một số người có kinh nghiệm dùng ô tô thường thay “cốc lọc dầu” sau 2 lần thay dầu nhớt động cơ. Trường hợp lọc dầu bị hỏng nên thay thế để không làm ảnh hưởng đến quá trình bôi trơn động cơ.
Trên một số mẫu xe, “cốc lọc dầu” thường được bố trí dưới gầm động cơ, vì vậy khi thay thế cần chú ý việc lắp đặt để không làm rò rỉ. Ngoài ra, nên lựa chọn các bộ lọc dầu chính hãng như Wunder Oil Filter, Denso, Bosch… đảm bảo chất lượng và tìm hiểu kĩ các thông tin kỹ thuật của động cơ để chọn bộ lọc dầu phù hợp.
4. Lọc nhiên liệu (Gasoline Filter)
Lọc nhiên liệu hay còn gọi là lọc xăng, lọc dầu diesel… cấu tạo từ giấy tiêu chuẩn, hỗn hợp của xen-lu-lô, sợi tổng hợp, sợi thủy tinh. Trên một số dòng xe, bộ phận này thường nằm ở dưới gầm xe, gần động cơ dưới nắp capô hoặc trong bình nhiên liệu. Xăng, dầu diesel bán trên thị trường khi bơm vào xe sẽ qua bộ lọc nhiên liệu trước khi vào động cơ để được đốt cháy.
Trong quá trình sử dụng, nếu bị bám cặn bẩn hay hư hỏng sẽ làm bộ lọc nhiên liệu bị tắc, dòng nhiên liệu đến chế hòa khí hoặc vòi phun bị chặn lại khiến động cơ khó khởi động, bị giật cục, xe vận hành không ổn định.
Với chất lượng xăng dầu hiện nay, đặc biệt là ở Việt nam, người dùng nên chú ý mang xe đến trung tâm chăm sóc ô tô để kiểm tra vệ sinh lọc nhiên liệu định kỳ. Sau quá trình sử dụng khoảng 40.000 km, nên thay mới lọc nhiên liệu.